Chào các bạn và quý cô bác, bà con nông dân, những người thích chăn nuôi. Hôm nay Winfeed sẽ giới thiệu về các loại giống gà phổ biến hay được nuôi tại Việt Nam mình nhé.
1. Gà ri
- Nguồn gốc: Gà ri là giống gà đẻ trứng nhỏ được nuôi rộng rãi ở Việt Nam.
- Đặc điểm: Con mái có màu lông không đồng nhất, vàng rơm, vàng đất, có đốm đen ở cổ, đuôi và đầu cánh. Một năm tuổi, gà mái nặng 1,2 - 1,4 kg. Gà mái 4 - 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ. Sức đẻ năm đầu 100 - 110 trứng, trứng nặng 40 - 45 g, vỏ màu trắng. Gà đẻ theo từng đợt 15 - 20 trứng, nghỉ đẻ và đòi ấp. Nuôi con khéo. Gà ri thích hợp với nuôi chăn thả, chịu đựng tốt điều kiện thức ăn nghèo dinh dưỡng. Thuộc loại gà lấy trứng, thịt. Thịt thơm ngon. Con trống lông màu đỏ tía, đuôi đen có ánh xanh, mào sớm phát triển, ba tháng đã biết gáy. Một năm tuổi gà trống nặng 1,5 – 2 kg.
- Chỉ tiêu kinh tế: Trọng lượng gà mái: 1,2 – 1,8 kg; gà trống: 1,5 – 2,1 kg. Thời gian đạt trọng lượng thịt khoảng 4 - 5 tháng. Sản lượng trứng bình thường (80 – 100 trứng/ năm). Gà chỉ đẻ 10 – 15 trứng là lại ấp, thời gian ấp gần 1 tháng. Sức kháng bệnh tốt, dễ nuôi, cần cù, chăm con tốt. Thịt thơm ngon, dai, xương cứng, phẩm chất trứng cao. Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng 2,5 – 3,5 kg.
2. Gà Đông Tảo
- Nguồn gốc: Tỉnh Hưng Yên Gà Đông Tảo hay gà Đông Cảo là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam, không nơi nào trên thế giới có.
- Đặc điểm ngoại hình: Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, đôi chân to và thô, khi trưởng thành có thể nặng trên 4,5kg (gà trống) và trên 3,5 kg (gà mái).
- Chỉ tiêu kinh tế: Trọng lượng gà mái: 2,5 – 3,5 kg, gà trống: 3,5 – 4,5 kg. Thời gian đạt trọng lượng thịt khoảng 4 - 5 tháng. Sản lượng trứng thấp (50 – 70 trứng/ năm). Gà mái bắt đầu đẻ lúc 5 – 7 tháng.
Giống gà đông tảo - Hưng Yên
3. Gà Hồ
- Nguồn gốc: Gà Hồ là một giống gà quý ở Việt Nam, nuôi chủ yếu ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
- Đặc điểm: Mào gà to có màu đỏ hoặc màu hồng như màu hoa mẫu đơn. Còn đuôi gà thường xòe to như cái nơm, các lông đuôi bằng nhau. Chân gà Hồ thường to, tròn (quản), vẩy chân mịn màu vỏ đỗ nành. Con gà trống có dáng to, dài, trọng lượng của một chú gà trống nuôi làm giống có khi lên đến 6 – 7 kg. Còn gà mái thường có 3 màu lông: đất thó (trắng, xanh), vỏ quả nhãn chín và màu sẻ (giống lông chim sẻ). Trọng lượng của gà mái tối đa từ 4–5 kg
- Chỉ tiêu kinh tế: Trọng lượng con mái: 2,7 kg, con trống: 4,4 kg. Thời gian đạt trọng lượng thịt khoảng 6 tháng. Sản lượng trứng thấp 40 – 50 trứng / năm. Thồi gian gà mái bắt đầu đẻ khoảng 6 - 8 tháng.
4. Gà mía
- Nguồn gốc: có nguồn gốc ở xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Tây (nay thuộc xã Sơn tây - Hà Tây)
- Đặc điểm: Mình ngắn, đùi to và thô, mắt sâu, mào đơn, chân có 3 hàng vảy, da đỏ sắc lông gà trống màu tía, ga mái màu nâu xám hoặc vàng, Gà Mía có chất lượng thịt thơm, da giòn, mỡ dưới da ít, sức khoẻ tốt, thích hợp trong điều kiện chăn nuôi thả vườn nhưng tuổi đẻ muộn, sản lượng trứng thấp
- Chỉ tiêu kinh tế: Trọng lượng trưởng thành gà mái: 2,5 – 3 kg, gà trống 4,4 kg. Thời gian đạt trọng lượng thịt khoảng 5 tháng. Sản lượng trứng thấp (55 – 60 trứng/ năm). Thời gian gà mái bắt đầu đẻ khoảng 7 tháng.
5.Gà tàu vàng
- Nguồn gốc: Chủ yếu ở phía nam và rất được ưa chuộng vì chất lượng thịt cao, dễ nuôi.
- Đặc điểm: Lông màu vàng rơm, vàng sẫm, có đốm đen ở cổ, cánh và đuôi. Chân màu vàng, da vàng, thịt trắng, mào phần lớn là mào đơn và ít mào nụ. Sức đề kháng cao, thích ứng với mọi điều kiện chăn thả địa phương. Thịt rắn chắc, thơm ngon. Thích hợp với nuôi thả vườn.
- Chỉ tiêu kinh tế: Trọng lượng trưởng thành gà mái: 1,6 – 1,8 kg, gà trống: 2,2 – 2,5 kg. Thời gian đạt trọng lượng thịt là 6 tháng. Sản lượng trứng bình quân (60 – 70 trứng/ năm). Gà mái 6 tháng tuổi bắt đầu đẻ trứng, gà mái có đặc tính thích ấp, nuôi con giỏi.
6. Gà ác
- Nguồn gốc: Phổ biến ở các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long và Miền Đông Nam Bộ
- Đặc điểm: Gà ác có tầm vóc nhỏ, lông xước màu trắng tuyền; da, thịt, xương, mỏ và chân đều đen. Gà trống có mào cờ đỏ thẫm, gà mái mào cờ nhưng nhỏ và đỏ nhạt, tích màu xanh. Chân có lông và 5 ngón (ngũ trảo), nhưng cũng có một số con không có lông chân hoặc chân chỉ có 4 ngón. Gà ác có sức sống rất cao. Tỷ lệ nuôi sống từ 1 ngày tuổi đến 56 ngày tuổi trung bình đạt 95-98%, cá biệt có đàn đạt 100%.
- Chỉ tiêu kinh tế: Trọng lượng trưởng thành con mái: 0,5 – 0,6 kg, con trống: 0,7 – 0,8 kg. Gà mái đẻ 1 – 2 trứng/ lứa, sản lượng trứng 70 – 80 quả/ năm. Người ta nuôi gà ác để làm thuốc hay chế biến như một món ăn đặc sản. Hiện nay giống gà này bị tạp pha với một số giống khác như: gà ri, gà Tàu Vàng, gà Tre…
7.Gà tre
- Nguồn gốc: Đây là một giống gà bản địa phổ biến tại khu vực miền Nam Việt Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ
- Đặc điểm: Sắc lông sặc sỡ, nhanh nhẹn, thịt thơm ngon (nhiều nơi cũng nuôi để làm cảnh).
- Chỉ tiêu kinh tế: Trọng lượng trưởng thành gà mái: 0,6 – 0,7 kg, gà trống: 0,8 – 10 kg. Gà mái đẻ trứng trung bình (40 – 50 trứng/ năm).
8. Gà nòi
- Nguồn gốc: Giống gà này có ở khắp các miền Việt Nam thường gọi là gà chọi hay gà đá…
- Đặc điểm: Con trống có lông màu xám, màu đỏ lửa xen lẫn các vệt xanh biếc, con mái có màu xám đá, vóc dáng to, chân cao, chân cao, cổ cao, thịt đỏ rắn chắc..
- Chỉ tiêu kinh tế: Trọng lượng trưởng thành gà mái: 2,0 – 2,5 kg, gà trống: 3,0 – 4,0 kg. Thời gian đạt trọng lượng thịt 5 tháng, sản lượng trứng bình quân (50 – 60 trứng/ năm). Thời gian bắt đầu đẻ là 7 tháng. Con trống được dùng để lai với gà Ri và các giống gà khác để sản xuất con lai nuôi thịt.