Vì sao nên cai sữa cho heo con từ 21 ngày trở lên?
22/11/2021
Giai đoạn cai sữa là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong toàn bộ quá trình chăn nuôi. Nó quyết định đến năng suất và lợi nhuận của toàn đàn heo cũng như toàn bộ trang trại đó. Trong đó, việc chọn thời điểm cai sữa cho heo con là 1 trong những khâu then chốt của toàn bộ quá trình cai sữa. Nếu thời điểm cai sữa quá sớm sẽ làm cho heo con dễ bị stress và sinh ra nhiều bệnh khác nhau do cơ thể lúc đó chưa đủ khả năng chống lại các yếu tố bất lợi tác động lên cũng như chưa đủ khả năng sống độc lập không cần heo mẹ.
Ngược lại, nếu cai sữa quá muộn, sẽ dễ dẫn đến tình trạng heo con thiếu chất dinh dưỡng, còi cọc, sức đề kháng thấp do càng về sau lượng sữa tiết ra càng ít, chất lượng sữa giảm, trong khi nhu cầu của heo con thì ngày càng tăng. Bên cạnh đó, cai sữa quá muộn còn làm giảm số lứa đẻ/nái/năm → giảm năng suất làm việc của heo nái → Ảnh hưởng đến năng suất của toàn trại.
Như vậy, lúc nào mới là thời điểm hợp lý? Chính là khi heo con đã có thể tồn tại độc lập 1 mình, có thể tự lấy chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể mà không cần phụ thuộc con mẹ. Đồng thời, mọi chức năng sinh lý của heo mẹ cũng đã trở lại bình thường và sẵn sàng mọi thứ cho chu kỳ tiếp theo.
Cơ sở sinh học của việc chọn ngày cai sữa?
Chu kỳ tiết sữa của heo nái
Sau khi đẻ xong 1 lứa con, số lượng sữa (kg sữa/ngày) trong vú heo mẹ tiết ra sẽ tăng dần đến mức cao nhất vào tuần thứ 2, 3 rồi giảm dần và thông thường đến tuần thứ 8 thì hết sữa.
Heo có sữa tốt là heo tiết ra mức sữa cao sớm hơn 3 tuần, chậm hết sữa và chất lượng sữa tốt. Còn heo có sữa xấu là heo tiết sữa ít, tắt sữa sớm và chất lượng sữa kém.Để tạo ra sữa, heo mẹ lấy dưỡng chất từ 2 nguồn:
Lượng dự trữ của heo mẹ trong giai đoạn mang thai.
Thức ăn hàng ngày.
Ngoài ra, về phía heo mẹ, sau sinh khoảng 3 tuần thì tử cung bắt đầu phục hồi để đón lần chửa sau. Nên nếu trước thời gian 3 tuần mà ta tiến hành cho heo mẹ thụ thai lần kế tiếp → tử cung chưa kịp phục hồi → tỷ lệ thụ thai sẽ thấp, tỷ lệ trứng thụ tinh giảm và tỷ lệ phôi chết sẽ tăng.
Về phía heo con
Chức năng giải phẫu của ống tiêu hoá và hệ thống enzyme để tiêu hoá các nguồn carbohydrat và protein không phải sữa chỉ thực hiện được khi heo đạt 3 tuần tuổi. Ngoài ra khả năng miễn dịch của heo con hoàn toàn phụ thuộc vào sữa của heo mẹ trong khoảng 3-4 tuần đầu sau đẻ, chỉ sau tuổi này heo con mới có miễn dịch chủ động và cơ bản đủ khả năng để chống lại các loại mầm bệnh xâm nhập. Đồng thời, 3 tuần tuổi cũng là lúc trọng lượng heo con đạt từ 6kg trở lên – cân nặng thích hợp để heo con bắt đầu sống độc lập.
Như vậy, xét trên cả hai phương diện thì thời gian từ 3 tuần tuổi trở lên là lúc ta có thể tách heo con ra khỏi mẹ mà không lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất của heo mẹ hay heo con.
Tuy nhiên, để xác định thời điểm phù hợp trong từng trường hợp cụ thể ta còn cần phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
Các căn cứ để chọn thời điểm cai sữa thích hợp:
Điều kiện ngoại cảnh
– Thời tiết ấm áp: trời không mưa và không nắng quá, nhiệt độ ngoài trời lý tưởng là vào khoảng 24-260C. Nếu thời tiết không thuận lợi (quá nóng hay quá lạnh) mà ta vẫn tiến hành cai sữa cho heo con thì dễ gây cho heo nhiều stress không cần thiết → ảnh hưởng đến chất lượng heo sau khi cai sữa.
– Chuồng trại: Chỉ nên tiến hành cai sữa khi chuồng trại đã được khử trùng sạch sẽ, khô ráo, sẵn sàng.
– Dụng cụ: từ dụng cụ vệ sinh, núm uống, cho đến nguồn nước, các dụng cụ khác như bóng đèn, tấm lót chuồng (gỗ hay tấm polymer)…tất cả đều phải sẵn sàng rồi mới nên tiến hành cai sữa vì nếu thiếu 1 trong số các dụng cụ trên thì tức là môi trường sống của heo con sẽ bị ảnh hưởng (như thiếu nước, nhiệt độ không đảm bảo, thiếu dụng cụ vệ sinh → bẩn…)
– Con người: Cần phổ biến đầy đủ, cụ thể cho những người trực tiếp tham gia vào quá trình cai sữa cho heo con từ kỹ thuật trại cho đến công nhân toàn bộ kỹ thuật của quá trình như việc vận chuyển sao cho heo ít stress nhất, tiêm những thuốc, vaccine gì, tiêm như thế nào… Ngoài ra, cần chuẩn bị đủ số lượng người tương ứng với số heo dự định sẽ cai sữa. Tránh trường hợp khối lượng công việc/người quá nhiều → hiệu quả công việc không cao, thậm chí có thể làm cho heo con bị stress (do khi mệt mỏi ta sẽ có thể không nhẹ nhàng được với heo con như lúc đầu).
Các điều kiện chủ quan từ bản thân heo con
– Sức khỏe của toàn đàn heo con: Heo con khỏe mạnh, không bệnh tật, lông mượt, da hồng hào, có tầm vóc lớn, khối lượng cơ thể đạt tầm 6kg trở lên…là những điều kiện thiết yếu để ta quyết định có cai sữa hay không. Nếu 1 trong những điều kiện trên không được đảm bảo thì hiệu quả của quá trình cai sữa sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
– Khối lượng thức ăn heo con thu nhận được: theo kinh nghiệm thực tế cho thấy, những heo con có khả năng ăn thức ăn tập ăn tốt trước khi cai sữa thì quá trình cai sữa heo phát triển rất tốt và ngược lại. Bởi vậy nên những heo ăn ít thức ăn tập ăn → đa phần còi cọc → người ta sẽ tách riêng ra và cai sữa sau.
Ngoài các căn cứ chủ quan và khách quan như trên thì một trong số các căn cứ quan trọng không kém khác nữa là điều kiện và mục đích chăn nuôi của mỗi trại. Ví dụ, trại nuôi heo công nghiệp lấy thịt thường cai sữa đồng loạt trong 1 ngày. Nhưng trại nuôi heo giống thì có sự chọn lọc kỹ hơn, những heo đạt các yêu cầu trên → tiến hành cai sữa, những heo không đạt (như quá gầy, heo bị bệnh…) → sẽ nuôi cách ly và cai sữa sau.
Như vậy, nắm được các yêu cầu, căn cứ trên sẽ giúp chúng ta chọn được thời điểm cai sữa tốt nhất đối với từng trường hợp cụ thể. Từ đó góp phần nâng cao đáng kể năng suất và hiệu quả chăn nuôi.
Tình hình thực tế hiện nay
Hiện nay, cai sữa 21 ngày đã trở thành quy trình chăn nuôi heo ngoại của nước ta và nhiều nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên, để cho heo con trong một ổ có khối lượng đồng đều, người ta có thể cho cai sữa theo những ngày khác nhau. Những con có tầm vóc lớn cho cai sữa 21-24 ngày, còn những con tầm vóc nhỏ cai sữa xung quanh 26-30 ngày. Tất nhiên cách này khó thực hiện trong sản xuất và thường chỉ được các cơ sở chọn giống áp dụng.
Tuy nhiên, gần đây người ta nhận thấy rằng cai sữa 21 ngày tuy làm tăng được số lứa đẻ của heo nái/năm, nhưng tổng lượng thịt mà một heo nái sản xuất trong một năm thì lại không bằng cai sữa 28 ngày, ngoài ra heo cai sữa 28 ngày sau cai sữa khoẻ mạnh hơn và ít bị rối loạn tiêu hoá hơn.
Theo 1 nghiên cứu cho biết (JSR Technical mamual-1999): Heo cai sữa 21 ngày hay 28 ngày có khối lượng lần lượt là 6,8kg và 7,7kg; khi heo đạt 133 ngày, khối lượng ứng với tuổi cai sữa 21 ngày hay 28 ngày lần lượt là 96,3kg và 103,6kg.
Tương ứng với tuổi cai sữa 21 ngày hay 28 ngày, số lứa đẻ của một heo mẹ mỗi năm là 2,41 và 2,31. Trừ mọi hao hụt do bệnh tật, chết hay loại thải, mỗi heo nái sản xuất 10 heo thịt/lứa/năm.
Như vậy, cứ 100 heo nái thì mỗi năm sản xuất một lượng thịt xẻ (tỷ lệ thịt xẻ 75%) như sau:
+ Đối với heo cai sữa 21 ngày: 100 heo mẹ x 2,41 lứa x 10 heo thịt/lứa x 96,3kg x 75% = 174.062kg
+ Đối với heo cai sữa 28 ngày: 100 heo mẹ x 2,31 lứa x 10 heo thịt/lứa x 103,6kg x 75% = 179.487kg
Dưới đây là tóm tắt lại những kết quả trên:
Kết quả so sánh cai sữa lúc 21 ngày và 28 ngày
|
Cai sữa lúc 21 ngày |
Cai sữa lúc 28 ngày |
Khối lượng lợn khi cai sữa (kg) |
6,8 |
7,7 |
Khối lượng 35 ngày (kg) |
18,9 |
22,4 |
Khối lượng 63 ngày (kg) |
36,9 |
42,2 |
Khối lượng 133 ngày (kg) |
96,3 |
103,6 |
Số ngày chửa |
115 |
115 |
Số ngày tiết sữa nuôi con |
21 |
28 |
Số ngày chờ phối |
15 |
15 |
Tổng (ngày) |
151 |
158 |
Số lứa/lợn nái/năm |
2,41 |
2,31 |
Số lợn thit sản xuất/lứa/năm |
10 |
10 |
Số lợn thịt sản xuất/100 lợn nái/năm |
2410 |
2310 |
Sản lượng thịt hơi/100 lợn nái/năm (tấn) |
232,083 |
239,316 |
Tỷ lệ thịt xẻ (%) |
75 |
75 |
Sản lượng thân thịt/lợn nái/năm (tấn) |
174,062 |
179,48 |
Đối với heo lai nuôi ở nông hộ, do điều kiện chăn nuôi khác nhau nên việc chọn thời điểm cai sữa không giống như heo nuôi công nghiệp tại trại. Cụ thể:
– Chế độ dinh dưỡng cũng như điều kiện chăm sóc (tiểu khí hậu chuồng nuôi, vệ sinh…) heo nuôi ở nông hộ không được tốt như ở trại nên sức đề kháng của heo con rất kém, heo con thường hay bị bệnh → không thể tập ăn cho heo sớm → heo không thể tách mẹ và cai sữa sớm như heo tại trại.
– Đồng thời, người chăn nuôi quy mô nhỏ tại các nông hộ cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao số lứa đẻ/nái/năm nên thời điểm cai sữa thường được lùi lại cho heo cứng cáp rồi mới tách mẹ.
Thời gian cai sữa của heo con lai tại các nông hộ khác nhau tùy thuộc từng trại cụ thể nhưng thường là 30 ngày.
Như vậy, nếu chúng ta nắm được những cơ sở khoa học của quá trình cai sữa cũng như chịu khó linh hoạt biến đổi sao cho phù hợp với điều kiện của trại mình thì việc chọn thời gian cai sữa sao cho hiệu quả nhất không thực sự quá khó. Chọn đúng thời điểm tiến hành cai sữa chính là đánh dấu thành công đầu tiên trong toàn bộ quá trình cai sữa và cũng là một bước thành công trong cả quá trình chăn nuôi heo về sau.